Thông báo
HỒ SƠ THI THỬ THPT QG NĂM 2019 - ĐỀ SỞ
Lịch công tác; Hướng dẫn ghi phiếu ĐKDT; Hướng dẫn kiểm tra hồ sơ
Thông tin hồ sơ thi THPTQG 2019_Cần kiểm tra
Các văn bản tuyển sinh
BÁO CÁO CÔNG TÁC THÁNG 3, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ THÁNG 4 NĂM 2019
Lịch công tác tuần 32 (Áp dụng từ 08/4/2019 đến 13/4/2019)
Quy chế, thông tư thi THPTQG năm 2019
Danh mục xã huyện tỉnh, mã tỉnh, mã cụm; Xã khó khăn; Diện tốt nghiệp
Lịch công tác tuần 31 (Áp dụng từ 01/4/2019 đến 06/4/2019)
Lịch công tác tuần 30 (Áp dụng từ 25/3/2019 đến 30/3/2019)
Lịch công tác tuần 29 (Áp dụng từ 18/3/2019 đến 23/3/2019)
Lịch công tác tuần 28 (Áp dụng từ 11/3/2019 đến 16/3/2019)
Lịch công tác tuần 27 (từ 04/3/2019 đến 10/3/2019)
Đánh giá hoạt động tháng 02, triển khai nhiệm vụ tháng 3 năm học 2018-2019
Lịch công tác tuần 26 (Áp dụng từ 25/02/2019 đến 02/3/2019)
Thành viên Diễn đàn
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
Dự báo thời tiết
Liên kết Website
TRI ÂN - KẾT NỐI - CÁC THẾ HỆ HỌC TRÒ Bản in
 
Miếu Nen & Tuổi Thơ Tôi
Tin đăng ngày: 4/4/2016 - Xem: 7219
 

Upload

Miếu Nen & Tuổi Thơ Tôi

 

Nhà báo Huy Đức

Trương Huy San - Cựu học sinh lớp H,

khóa 11 (1976-1979)

 

Tháng 4-2015, tôi cùng cô giáo Nguyễn Thị Hồng Sâm lên Thạch Tiến, ghé thăm miếu Nen. Trường cấp III Lý Tự Trọng, thời chúng tôi, nằm bên cạnh Miếu.

 

Rêu phong đã kịp che đậy lớp vôi vữa vàng chóe của mấy năm trước khi Miếu mới trùng tu. Không có ai mở cửa. Cô trò chúng tôi chỉ có thể đứng ngoài nhìn vào.

 

Thuở nhỏ, mỗi khi đi qua các đình, đền, mẹ tôi thường dặn, "Nếu con muốn thì vô bên trong vái lạy, đừng đứng ngó trừng trừng vào nơi linh thiêng". Lớn lên chút nữa, tôi chứng kiến vài ngôi miếu bị đập bỏ. Ông Biên, một người trong xóm Khe Giao vốn quê Quảng Ngãi, là cán bộ tập kết, mang về khá nhiều tượng gỗ - trước đó được gom vào một nhà kho ở xã Mỵ Lộc - rồi dùng cưa xẻ ra. Bọn trẻ kháo nhau, bên trong những pho tượng ấy thường có tiền xưa hoặc kim loại quý.

 

Không hiểu nhờ đâu miếu Nen sống sót qua thời "quét sạch những tàn dư văn hóa cũ" trong khi những miếu Đập Lả, đền Bà Chúa Lộc ở Khe Giao quê tôi lại không còn. "Văn hóa mới xã hội chủ nghĩa" đã cuốn chúng tôi theo, làm vơi vãi không ít những lời mẹ dặn.

 

Những năm học ở trường Lý Tự Trọng, chúng tôi đã leo qua không ít bệ thờ, nấp sau các tượng phật, làm sứt gãy không biết bao nhiêu đường cong... của miếu Nen. Không hiểu nhờ đâu, những linh vật, những xà, cột, chạm trổ tinh vi lại vẫn tồn tại ngần ấy năm, dưới bàn tay lũ học trò ma quỷ.

 

Một lần, trong Miếu xuất hiện một một "ông Tây" (có thể là chuyên gia Liên Xô). Chắc ông chỉ tình cờ ghé qua. "Ông Tây" đứng lặng ngắm các bức phù điêu, lắng nghe hướng dẫn của một thanh niên "nói tiếng Tây như gió". Người thanh niên đó về sau chúng tôi biết là chồng cô Lý dạy Hóa, vừa du học từ Liên Xô hay một nước Đông Âu nào đó trở về. Lúc đó, tôi dường như có lờ mờ nhận ra, miếu Nen là một di sản mà ngay cả một "ông Tây" cũng đang trân trọng.

 

Cho dù có những kỷ niệm cay đắng - năm lớp 9 (hệ 10 năm) tôi bị mất xe đạp và cuối năm đó tôi không được lên lớp 10 vì thiếu điểm thể dục - nhưng toàn bộ ký ức tuổi thơ của tôi ở ngôi trường này vẫn rất ngọt ngào.

 

Tôi sinh ra và lớn lên ở nông trường Thạch Ngọc. Một trong vài ba mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa được dựng lên ở Hà Tĩnh. Tuy cha mẹ tôi chỉ cày sâu cuốc bẫm, chúng tôi vẫn được coi là "con em cán bộ". Mỗi tháng, mỗi đứa trẻ "ăn theo" được mua cung cấp tối đa 15kg gạo, 2 lạng thịt, một lạng đường, 4m vải... Gạo, thường là thứ ẩm mốc, pha lẫn nhiều thóc lép và hạt cỏ; mỗi lần nấu ăn phải đãi sạn rất lâu. Buổi trưa, nhìn nắm cơm của các bạn con cái nông dân, thèm cái chất đồng quê trắng trong, thơm dẻo.

 

Trong cả xóm Khe Giao của tôi, Đội I, Nông trường Thạch Ngọc, chỉ có nhà chú Lương là có một chiếc đài Orionton. Do không có pin mới (cần khoảng 3 cục loại 1,5 vol) để lắp trực tiếp vào đài, chú Lương phải đóng một cái hộp gỗ lớn, nhặt nhạnh những cục pin cũ vừa được các chú bộ đội dùng đèn pin thải ra, đem phơi nắng, phơi sương, xếp một lúc 6-8 cục rồi đấu dây dẫn vào đài. Cả xóm thường tụ tập ở nhà chú Lương để thỉnh thoảng nghe đài BBC và thường xuyên nghe "Sân khấu truyền thanh", nghe "câu chuyện cảnh giác" vào mỗi đêm thứ Bảy.

 

Xe đạp lại càng hiếm, số người có xe đạp trong một "nông trường quốc doanh" chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Đầu thập niên 1970s, sau những năm tháng lao động cật lực, cha tôi - người 4 năm liền được tặng danh hiệu "chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc" - được mua phân phối một chiếc xe đạp Vĩnh Cửu, "made in China", giá 330 đồng.

 

Khi tôi học cấp III thì hai anh tôi đang ở trong quân đội, chị kế đang học sư phạm Vinh, tôi được "thừa kế" chiếc xe Vĩnh Cửu. Vào năm 1976, một chiếc xe đạp Trung Quốc bổ sung phụ tùng Đức, vẫn là cả một gia sản đối với các gia đình Việt Nam. Vậy mà tôi để mất.

 

Hôm đó mưa rất to. Chúng tôi làm bài thi trong một lớp học tranh tre nằm sát miếu Nen. Xe tôi dựng bên ngoài, đã khóa rồi cẩn thận móc ghi-đông vào trong vách tranh. Nhưng thi xong ra thì chiếc xe biến mất. Tôi lầm lũi đi bộ về, sẵn sàng chấp nhận mọi hình phạt của gia đình. Nhưng, cha tôi không nói gì, ông chỉ khoác áo mưa, lầm lũi đi bộ 15 km xuống trình báo công an huyện với không nhiều hy vọng.

 

Hồi đó, mỗi chiếc xe đạp đều có số khung và được công an cấp biển đăng ký. Bọn trộm chỉ có thể gỡ phụ tùng. Hơn một năm sau đó, tôi đã tát cạn không ít hố bom, vừa để bắt cá, vừa hy vọng kẻ gian đã ném khung xe của mình xuống đó.

 

Tôi bị điểm 0 trong kỳ thi học kỳ II lớp 9, môn thể dục. Kết quả này khiến cho tôi, một học sinh, từ năm lớp 4, từng nhiều lần thi học sinh giỏi khi toán, khi văn, không được lên lớp như bao bạn khác.

 

Vào đúng ngày thi môn thể dục, tôi bỏ học ra Vinh dự thi vào trường Văn hóa - Nghệ thuật. Tôi lọt qua vòng sơ tuyển của Phòng Văn hóa huyện Thạch Hà nhờ thể hiện bài hát Đàn T'rưng: Anh bắc qua năm tháng/ Chiếc cầu phao âm thanh/ Đợi hai đầu mưa nắng/ Đàn mắc võng tâm tình...

 

Một thằng bé răng vẩu, còm nhom, vừa tới tuổi nhổ dò lại chẳng có năng khiếu gì mà đi thi vào trường "văn hóa nghệ thuật" đã rất điên rồ. Không hiểu sao, ông Trưởng phòng Văn hóa huyện Thạch Hà lại còn khuyến khích động viên và đệm đàn cho tôi trong cuộc thi tuyển ấy. Tất nhiên là ở Vinh, tôi bị loại.

 

Tôi hoàn toàn không nhận thức được hậu quả tai hại của một chút đam mê trẻ con. Vào đầu năm học lớp 10, trong ngày tựu trường, tôi vẫn ung dung vào lớp mới theo bạn cũ. Ngay sau khi các bạn đã vào chỗ, cô chủ nhiệm Bùi Thị Nguyên thông báo: Tôi phải trở lại lớp Chín ngồi.

 

Cô Nguyên dạy toán, môn học yêu thích nhất của tôi. Khi nói ra điều này, tôi thấy cô Nguyên khóc.

 

Tôi bước ra khỏi lớp, đi bộ về thẳng nhà trong một ngày mưa rất to. Tôi đã không hề khóc, chỉ  có những dòng nước mắt không thể ngăn lại, vừa tuôn chảy đã bị nước mưa xóa tan ngay. Tập sách vở trên tay tôi nát tươm vì ướt đẫm và vì những ngón tay siết lại.

 

Cô Nguyên và cha tôi đã có những nỗ lực để giúp tôi tránh bị lưu ban nhưng Ban giám hiệu đã không xét lại.

 

Tuổi trẻ rất dễ phạm sai lầm. Không phải lúc nào cũng gặp những người thầy đủ trải nghiệm và lòng vị tha để hiểu chúng.

 

Tháng 2-1979, khi đang học lớp 10 (hệ bổ túc văn hóa vì không chấp nhận lưu ban), tôi xung phong nhập ngũ ngay trong ngày Trung Quốc tấn công Biên giới.

 

Lịch sử đất nước bị lật sang một trang mới.

 

Chính sách đối với người Hoa thay đổi.

 

Thầy Vĩnh Lộc cũng gặp không ít khó khăn do họ "Quách" của mình. Sự nghiệp của hai giáo viên dạy tiếng Trung bị cắt ngang. Thầy Cát bị tổng động viên. Cô Thủy phải chuyển sang làm thủ thư kiêm đánh trống. Wo shi ba nian ji xue sheng 我是八年级学生 (Tôi là học sinh lớp Tám). Tôi vẫn nhớ như in cách cô Thủy, thầy Cát phát âm câu thoại này dù từ năm 1978 tôi chưa bao giờ gặp lại thầy, cô cả.

 

Những năm của thập niên 1970s, lượng học sinh đậu cấp III chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong số học sinh tốt nghiệp cấp II. Chúng tôi được học với những cô giáo cũng vừa mới ra trường như cô Sâm, cô Nga, cô Lý, cô Nguyên... Các cô không thiết lập nhiều khoảng cách thầy trò. Trong các xung đột giữa học sinh với ban giám hiệu, chúng tôi cảm nhận, họ là những người chị đang che chở.

 

Biết bao năm qua, thật khó để nhận ra, điều gì ảnh hưởng lớn nhất đến hành trình vào đời của chúng tôi: "Bảy hằng đẳng thức..." đã quên hay là những chia sẻ rất tình người của thầy cô giáo. Phần lớn học trò sẽ đi xa hơn những bài học trong trường phổ thông. Nhưng, những viên gạch đầu tiên vẫn là nền móng. Tuy nhiên, kiến thức chưa phải là điều quan trọng nhất.

 

Tôi không thể nhớ thầy Cận đã nói như thế nào với chúng tôi về Truyện Kiều nhưng tôi không thể quên những gì ông đã làm để chúng tôi thuộc Kiều và yêu Nguyễn Du như thế. Cho dù tính cách, số phận của mỗi thầy cô là rất khác nhau, những người mà tôi nhớ nhất thường đã rất thành công trong việc truyền cho chúng tôi cảm hứng.

 

Tôi hay tìm lại những bạn học và thầy cô cũ của mình. Dù nay, kẻ còn, người mất. Dù, kể từ khi chia tay, mỗi người đã đi rất xa theo những hướng khác nhau. Dù, trong cuộc sống hiện thời không có nhiều cái chung để mà chia sẻ.

 

Tôi hay trở lại các trường học cũ của mình. Có những ngôi trường tồn tại hàng chục, hàng trăm năm và vẫn lưu giữ những cái tên. Có những ngôi trường như bến đò xưa giờ đã bắc cầu để đôi bờ không còn dấu tích. Nhưng không có ngôi trường nào bị xóa trong ký ức.

 

Tuổi học trò như tờ giấy trắng, những vết mực đầu tiên sẽ được lưu giữ suốt đời.

 

 

      

                    Nhà báo Huy Đức (Trương Huy San) cùng thầy giáo Văn Như Cương

 

       

            Cựu học sinh Trương Huy San về thăm lại ngôi nhà trọ học thời cấp 3 (tại Thạch Tiến)

 
Các thế hệ học trò khác:
Miếu Nen & Tuổi Thơ Tôi (4/4/2016)
Thế là chúng tôi thành học sinh Thạch Tiến. (22/3/2016)
NHỚ LẠI MỘT THỜI LÀ HỌC SINH TRƯỜNG CẤP 3 LÝ TỰ TRỌNG (22/3/2016)
TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG (4/3/2016)
KÝ ỨC KHÔNG QUÊN (25/11/2015)
Bài phát biểu tại hội khóa 1975 - 1978 (24/6/2015)
Tháng 5, bồi hồi kí ức trường xưa... (15/5/2015)
Thư và Thông báo về Lễ kỉ niệm 50 năm thành lập trường THPT Lý Tự Trọng (7/5/2015)
Tưởng nhớ hương hồn những học sinh trường cấp 3 Lí Tự Trọng bị bom Mỹ sát hại (30/4/2015)
Một bài học sống động về nhân cách và nghị lực nhà giáo (11/12/2014)
Xua tan giá lạnh trời đông (7/12/2014)
Lại một mùa hè nữa lại về. (4/12/2014)
Lý Tự Trọng ngày về... (4/12/2014)
Giã từ viên phấn (29/11/2014)
Làm thiệp chúc mừng ngày hiến chương nhà giáo (26/11/2014)
Video Clips
Loading the player...
 
Liên kết Website
Hỗ trợ trực tuyến

Hiệu trưởng - 0916635886

Văn phòng - 0396.548.488
Truy cập hôm nay: 169
Tất cả: 6782554
  TRƯỜNG THPT LÝ TỰ TRỌNG
Địa chỉ: Tổ dân phố 9 - Thị trấn Thạch Hà - Huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh
Điện thoại: 0396.548.488 - Fax: 0396.548.488 - Hotline:0393.845.307
Email: [email protected] - Web: http://thptlytutronghatinh.edu.vn