Thế là chúng tôi thành học sinh Thạch Tiến.
Đoàn Trọng Loan
Nguyên Chuyên viên cao cấp Tập đoàn dầu khí Việt Nam
Cựu học sinh lớp 8B khóa 1 (1966-1968)
Vì quá lâu rồi nên có thể quên đi từng chi tiết nhỏ, song cảm giác về ngày được gọi mình là “học sinh Thạch Tiến - Lý Tự Trọng” thì vẫn còn nguyên. Lớp tôi là lớp 8G, hình như là lớp gọi sau của Phan Đình Phùng và toàn con nhà nghèo, có khoảng hơn 40 anh em, nữ rất ít. Tôi nhớ không chính xác nhưng khoảng cuối học kỳ 1, lớp tôi học buổi chiều, hôm đó là giờ Sinh Vật, thầy Thứ - lúc đó cũng đã có tuổi rồi – bước vào lớp. Thầy đặt cái cặp lên bàn, nói cặp cho oai chứ thực ra là túi vải bố dầy, may kiểu túi của chính trị viên trong quân đội, nhìn cả lớp thấy vắng mấy bạn, thầy bảo chờ một tí. Chúng tôi lại ồn ào, chẳng có đời thủa nào thầy giáo lại chờ học trò đi muộn. Đang lộn xộn thì mọi người đến đủ. Khi tất cả đã ngồi yên ổn, thầy lấy phấn viết lên bảng tên bài giảng rồi mở ngoặc: (giờ cuối). Cả lớp nhìn nhau, tất cả đều nghĩ rằng thầy chuyển đi trường khác. Và là bí thư chi đoàn tôi nhanh miệng hỏi mà quên phải đứng dậy:
- Thưa thầy, thầy chuyển đi trường nào ạ?
Cả lớp im lặng, sự im lặng chờ đợi thật là dài và có phần não nề. Thầy nhìn cả lớp với ánh mắt lạ và suy nghĩ mông lung:
- Các em đi chứ không phải thầy
Cả lớp ồ lên như vỡ òa và thật tệ, không ai để ý đến cảm giác của thầy.
- Đi đâu ạ? Sao lại đi?
- Các em đi ra Thạch Tiến lập trường mới. Chiều hôm qua họp Hội đồng, thầy được thông báo như vậy.
- Chuyển cả lớp phải không ạ?
- Không. Chỉ các em ở Thạch Vĩnh, Thạch Thanh, Thạch Tiến, Thạch Thượng, Thạch Ngọc… nói chung là phía Bắc Thạch Hà
Không khí cả lớp lại lắng xuống, lại kẻ đi người ở bịn rịn. Tuy mới lớp 8 nhưng ngày đó chúng tôi có vẻ người lớn lắm, mới học với nhau một học kỳ nhưng đã có những tình cảm học trò thật dễ chịu.
Bạn cùng lớp tôi, anh Thần, người Thạch Lưu, cũng hỏi thầy muốn ra Thạch Tiến có được không? ...
Sau một hồi biết ai đi ai ở, lớp tôi lại như ong vỡ tổ, quên mất có thầy đang ngồi chờ lên lớp. Tiết học đã trôi về cuối, chỉ còn mươi, mười lăm phút, chúng tôi xin thầy nghỉ để chuyện trò. Thầy bảo: “Thôi để thầy giảng bài ít phút, để chia tay các em”
Chúng tôi chuyển trường, còn nửa lớp ở lại sẽ học tiếp với thầy nhưng không hiểu sao trông thầy thật bịn rịn như mỗi lần chia tay học trò tốt nghiệp hay đi bộ đội. Năm mươi năm sau, khi đã có hơn hai mươi năm giảng dạy đại học, chia tay hàng ngàn sinh viên, tôi mới thực sự cảm nhận được rõ tình cảm của thầy mình lúc bấy giờ.
Cuối giờ, thầy nói Ban giám hiệu có thông báo ngày mai các em thuộc diện về Thạch Tiến đi lao động để chuyển trường. Chúng tôi lại nhốn nháo và háo hức:
- Thưa thầy, cho chúng em chuyển luôn hôm nay có được không ạ?
- Cái đó thầy cũng không biết – Thầy ngần ngại trả lời mà chúng tôi cũng chẳng hay.
Thế rồi, hơn chục anh em chúng tôi ở Thạch Vĩnh, Thạch Thanh, Thạch Tiến, Thạch Thượng, Thạch Ngọc… và với sự giúp sức của mấy bạn Thạch Lưu như anh Y, anh Thân bắt đầu dỡ lán phần tre chống bão và giấy dầu… Về đến Thạch Tiến, chừng 9-10 giờ tối, chúng tôi để tre và giấy dầu ở ngoài đường. Thực ra, chúng tôi cũng chưa biết địa điểm chính của trường sẽ nằm ở đâu. Chúng tôi đã hành động như thế khi nghe tin chuyển trường cơ đấy! Cũng đơn giản là để sáng hôm sau chúng tôi khỏi phải 2 lần đi lại, coi như tối đó đã làm việc cho ngày hôm sau.
Thế là, chúng tôi đã trở thành lứa học sinh đầu tiên của “trường Thạch Tiến” – chúng tôi quen gọi thế và thích gọi thế, có lẽ bởi niềm vui sướng được trở về học ở một ngôi trường gần gũi, ngôi trường trên chính quê hương của mình, dầu ngay khi thông báo, thầy Thứ nói: đó là trường cấp 3 Lý Tự Trọng.
Một cảnh háo hức, niềm nở không tả xiết, không biết trên đầu mình máy bay Mỹ đang gầm rú, bất kể bao gian khó đang đón chờ... Những cảm giác không thể nào quên, mãi vẹn nguyên trong dòng kí ức.
|