NHỚ LẠI MỘT THỜI LÀ HỌC SINH
TRƯỜNG CẤP 3 LÝ TỰ TRỌNG
Lê Quán Tần
Nguyên Vụ trưởng vụ THPT - Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cựu học sinh khóa 1(1966-1967)
Trong quãng đời đi học của mỗi người, những năm tháng học cấp 3 là khó quên nhất, để lại nhiều kỷ niệm mà mình sẽ mang theo suốt cuộc đời. Điều đó vì nhiều lẽ, nhưng chủ yếu là do tâm lý của lứa tuổi đang độ trưởng thành, khát khao hiểu biết, ấp ủ nhiều mơ ước về tương lai mai sau. Sau 50 năm, trong không khí chuẩn bị kỷ niệm thành lập Trường Cấp 3 Lý Tự Trọng, tôi và các bạn học đều có chung tâm trạng bồi hồi nhớ lại những năm tháng không thể nào quên đó.
Bước vào Trường Cấp 3 Phan Đình Phùng
Năm học 1964-1965, chúng tôi vào học lớp 8/10 Trường Cấp 3 Phan Đình Phùng. Lứa học sinh chúng tôi được may mắn học trong ngôi trường khang trang với ba khối nhà cao tầng mới xây, mái ngói đỏ tươi, tường vôi trắng, ngay cạnh đường số một chạy qua Thị xã. Năm học mới bắt đầu, tuy nhà xa phải ở trọ, nhưng với chúng tôi thực sự có “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Lớp 8B của chúng tôi khá đông, hơn 50 học sinh từ nhiều nơi trong tỉnh, do thầy Duy, đã từng học ở Trung Quốc về, làm chủ nhiệm và dạy Trung văn. Chúng tôi nhớ mãi chất giọng Huế nghiêm nghị với ý tứ sâu sắc, khúc chiết trong lời giảng của thầy và cuốn sổ điểm ghi tên học sinh toàn bằng chữ Hán, chỉ duy nhất là tên một bạn được ghi bằng chữ Việt. Rồi đến thầy Hiều, một thầy giáo còn khá trẻ dạy môn Văn, có cách giảng bài cuốn hút bằng cách dạy rất kỹ phần từ ngữ, đặt một từ ngữ trong rất nhiều văn cảnh mà chúng tôi có thể tự tìm ra được. Sau này tôi mới biết đó là một kỹ thuật dạy học có hiệu quả cao trong việc rèn kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho học sinh. Cứ thế, chúng tôi quen dần với cách dạy học khuyến khích học sinh đào sâu suy nghĩ, sáng tạo, liên hệ thực tế sinh động của các thầy cô ở cấp 3.
Nhưng không khí thanh bình đó kéo dài không lâu, chúng tôi học ở đó chỉ vẻn vẹn có hơn 6 tháng. Từ cuối năm 1964, đế quốc Mỹ từng bước leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, đầu tiên là vùng Khu 4. Trong Thị xã, hầm hào phòng không được xây dựng tại các khu vực công cộng. Chúng tôi cũng được các thầy cô hướng dẫn đào hầm hào ngay trong trường. Bằng sự nhạy cảm pha chút ngây thơ, chúng tôi nhanh chóng nhận ra những gì đang diễn ra xung quanh. Từ các anh bộ đội, công an đến cán bộ, công nhân, nông dân với gương mặt dường như trở nên nghiêm nghị, tác phong khẩn trương hơn, đượm chút lo lắng nhưng ai nấy tràn đầy niềm tin và ý chí quyết tâm chiến đấu giành lấy chiến thắng. Sang học kỳ 2, một bạn nam trong lớp chúng tôi tên là Hạc, đủ mười tám tuổi, đã lên đường đi bộ đội.
Tuy vậy, khí thế thi đua trong giảng dạy của các thầy cô và học tập của học sinh vẫn phát triển tốt. Vào đầu học kỳ 2, theo chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ở những tỉnh đủ điều kiện sẽ mở một “Lớp Toán đặc biệt”. Hà Tĩnh đã hình thành lớp chuyên toán đầu tiên, đặt tại Trường cấp 3 Phan Đình Phùng, chọn trong số học sinh lớp 8 thông qua một bài thi Toán. Cùng với một số bạn, tôi may mắn được chọn vào lớp đó, được các thầy giáo có uy tín giảng dạy và chuyển sang học tiếng Nga. Thầy Dương Đình Thanh làm chủ nhiệm lớp và dạy môn Toán, thầy Trần Quốc Nghệ dạy môn Văn, thầy Bùi Tam, đã từng làm nghiên cứu sinh khảo cổ ở Trung Quốc, dạy môn Lịch sử. Ngay từ đầu, chúng tôi quen nhau rất nhanh, cùng miệt mài học tập, nghe những bài giảng sinh động, sâu sắc của các thầy cô và cùng nhau ấp ủ ước mơ tốt đẹp cho ngày mai...
Trong khi đó, xung quanh chúng tôi, không khí chuẩn bị chiến đấu nóng lên từng ngày. Từ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 05/8/1964, đến cuối năm đó, máy bay Mỹ đã nhiều lần đánh phá các vị trí chiến lược ở miền Tây Quảng Bình. Báo chí và đài phát thanh liên tục đưa tin về tấm gương hy sinh anh dũng với lời hiệu triệu nổi tiếng: “Nhìn thẳng quân thù mà bắn” của Chính trị viên đại đội pháo phòng không Nguyễn Viết Xuân trong một trận đánh ở miền tây Quảng Bình tháng 11/1964. Sau đó không lâu, một học sinh cũ của trường, tôi còn nhớ tên anh là Hải Bằng, người pháo thủ phòng không đã từng tham gia các trận đánh này được nhà trường mời về kể chuyện chiến đấu. Câu chuyện anh kể đã truyền cho thầy trò chúng tôi ý chí quyết tâm, lòng căm thù giặc và tinh thần sẵn sàng tham gia chiến đấu.
Bước sang mùa Xuân năm 1965, chúng tôi đã có lần được huy động đi đắp công sự pháo phòng không và tham gia kéo pháo vào trận địa ở phía bắc Thị xã. Máy bay Mỹ đã bắt đầu săn đuổi ô tô và các phương tiện giao thông trên đường, đánh phá ác liệt các cầu phà. Các phương tiện giao thông đều phải chuyển sang đi lại ban đêm, ô tô phải dùng đèn gầm và hai bên đường giao thông được trồng cây ngụy trang. Các đơn vị Thanh niên xung phong bán vũ trang đã được thành lập từ những anh chị tình nguyện chỉ lớn hơn chúng tôi độ ba bốn tuổi. Họ trực chiến trên các cầu, phà dọc các tuyến đường huyết mạch, sẵn sàng hứng chịu bom đạn để bảo đảm giao thông liên tục tiếp tế cho chiến trường miền Nam.
Chúng tôi chứng kiến cuộc thử lửa đầu tiên ở Thị xã diễn ra vào lúc quá trưa ngày 26/3/1965. Hàng chục máy bay Mỹ ồ ạt từ phía biển kéo đến ném bom bắn phá trạm rađa giả ở núi Nài và đánh trả các trận địa pháo phòng không. Trận này, ta tuy chịu hy sinh mất mát nhưng đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ khi chúng đánh phá một dàn rađa giả mà một bạn nhà gần đó cho biết vừa mới được thợ mộc lắp đặt thay vào chỗ dàn rađa thật đã được đưa đi nơi khác. Điều đó đã làm nức lòng mọi người. Từ trước đó, trường chúng tôi đã chuyển sang học buổi tối, các ô cửa kính được dán giấy cắt hình hoa văn để chống nứt vỡ. Trước mỗi tiết học, các thầy cô giáo đều dành thời gian thông báo ngắn gọn cho học sinh về tình hình và diễn biến chiến sự, tuy chỉ vài ba phút nhưng những thông báo đó đã truyền cho chúng tôi niềm tin thắng lợi. Sang đầu mùa Hè năm 1965, máy bay địch tăng cường đánh phá, nhà trường được lệnh chuẩn bị sơ tán. Thầy trò chúng tôi tháo các cánh cửa phòng học, phòng thí nghiệm mang đi gửi nhờ nhà dân các làng ven Thị xã và sơ tán lên xã Thạch Xuân, cách trường cũ gần chục cây số.
Tại nơi sơ tán, ban đầu chưa dựng được phòng học, chúng tôi phải học tạm trong nhà dân và ở trọ phân tán mấy xã trong vùng. Những ngày đầu, mấy anh em chúng tôi ở trọ trong nhà một gia đình ở xã Thạch Đài. Chủ nhà là một cụ già trên 70 tuổi, tính tình cởi mở, vui vẻ và đặc biệt cụ rất am hiểu Hán Nôm. Những lúc rỗi, chúng tôi say sưa nghe cụ đọc Truyện Kiều từ một cuốn sách chữ Nôm đã sờn rách vì chắc đã được in từ rất lâu. Chúng tôi được các thầy cô nhắc nhở, phải thực hiện theo tinh thần “đi dân nhớ, ở dân thương” nên luôn tìm cách giúp đỡ gia đình nơi mình ở. Ngoài giờ học, học sinh vẫn đi ra đồng giúp dân làm cỏ, thu hoạch mùa màng. Vào mùa Thu năm 1965, vì mưa nhiều lại quá đông người đi lại, đường làng nơi trường đóng trở nên lầy lội. Nhà trường đã huy động thầy trò lấy cát ven suối rải lên mặt đường, làm cho lối đi trở nên khô ráo sạch sẽ. Từ những việc nhỏ đó, thầy và trò được bà con địa phương thêm quý mến.
Trong điều kiện khó khăn, gian khổ, thiếu thốn trăm bề, hàng ngày máy bay địch gầm rú trên đầu, đánh phá Thị xã và các mục tiêu xung quanh, nhưng các thầy cô giáo vẫn nhiệt tình giảng dạy, học sinh vẫn chăm chỉ học tập. Các bạn yêu thích môn toán vẫn chụm đầu với các bài toán hóc búa trên Báo Toán học và Tuổi trẻ và học cách dịch các đề toán từ Tạp chí Kvant in bằng Tiếng Nga có ở thư viện nhà trường, tìm ra nhiều cách giải khác nhau với hứng thú sáng tạo. Thời đó, nhiều thầy cô được đào tạo từ trước Cách mạng có thể sử dụng thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh. Thầy Dương Đình Thanh cung cấp cho chúng tôi các đề toán dịch từ tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp và hướng dẫn chúng tôi dịch các bài toán từ tiếng Nga. (Chúng tôi thích thú nhận ra rằng, dịch các bài toán từ tiếng Nga không phải là việc khó như mình vẫn nghĩ). Bản thân thầy Thanh cũng đang miệt mài học tiếng Trung Quốc với sự giúp đỡ của thầy Duy, một người rất thành thạo thứ tiếng này vì từng học đại học bên đó.
Trong khi đó, cùng với bước phát triển của cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam, cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc ngày càng ác liệt. Có nhiều buổi sáng đi học, chúng tôi còn nhìn thấy dấu chân “những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến” để lại trên các tuyến đường liên xã từ đường số một đi lên phía dãy Trường Sơn, nối với các tuyến đường chiến lược vào Nam. Ở các trạm dừng chân, gặp bộ đội đang trên đường hành quân, khi hỏi ra mới biết phần đông các anh chỉ hơn chúng tôi vài ba tuổi, nhiều người đang học dở cấp 3 hoặc vừa tốt nghiệp lớp 10. Điều đó làm cho chúng tôi, dù mới ở lứa tuổi 15 - 16, nhận thấy việc được đi học lúc này đã là một sự ưu ái.
Chuyển về Trường Cấp 3 Lý Tự Trọng
Vào cuối học kỳ I năm học 1965-1966, chúng tôi đang học lớp 9 thì được nhà trường thông báo, tỉnh đã quyết định thành lập Trường Cấp 3 mang tên Lý Tự Trọng, đặt ở xã Thạch Tiến, gần quê hương người Anh hùng. Những học sinh các lớp 8, 9 ở khu vực đó được chuyển về trường mới, nếu có nguyện vọng. Mặc dù thầy Dương Đình Thanh thuyết phục tôi và một số bạn ở lại lớp chuyên toán, nhưng tôi vẫn xin thầy cho chuyển trường, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Từ đầu học kỳ 2 năm học 1965-1966, Trường Cấp 3 Lý Tự Trọng ra đời, với hai lớp 8 và một lớp 9, do thầy Trần Văn Đệ làm Quyền Hiệu trưởng. Vạn sự khởi đầu nan, ban đầu nhà trường bắt tay vào giảng dạy và học tập trong điều kiện như vậy. Chưa kịp dựng phòng học, lớp 9 chúng tôi phải học nhờ ở nhà kho hợp tác xã. Dù vậy, khí thế học tập đã được phát động ngay từ đầu với phong trào thi đua của Đoàn Thanh niên, mọi người cùng phấn đấu để Nhà trường xứng đáng được mang tên Anh hùng Lý Tự Trọng. Việc tập trung thầy trò về một khu vực dân cư có thể thu hút sự nhòm ngó của địch, nhưng nhân dân địa phương vẫn sẵn sàng dành chỗ tốt nhất cho thầy và trò ở, dành đất vườn để đào hầm hào trú ẩn, có lúc hỗ trợ cả lương thực, thực phẩm.
Khó khăn đầu tiên đối với những học sinh lớp 8 và lớp 9 học tiếng Nga ở trường cũ nay chuyển về trường mới phải học Trung văn từ đầu. Cô Bổng dạy Trung văn đã miệt mài giúp chúng tôi nhanh chóng đuổi kịp tiến độ chương trình. Từ nơi trường đóng đến các trọng điểm bị địch thường xuyên đánh phá như Ngã Ba Đồng Lộc, cầu Cày, cầu Nga, cầu Đông, cầu Sông, Đò Điệm… không xa, nên khu vực trường đóng luôn nằm trong vòng lượn của máy bay khi chúng đánh phá. Nhưng dù thế nào, đối với phần đông chúng tôi, việc được chuyển về học ở trường mới gần nhà hơn, có điều kiện giúp đỡ gia đình đã là một điều may mắn.
Năm học đầu tiên 1965-1966 kết thúc thắng lợi, cơ sở vật chất được bổ sung thêm, trong đó có một phần vật liệu và công sức do chúng tôi đóng góp. Mùa hè năm 1966, học sinh được huy động tham gia Chiến dịch thủy lợi “Bồng Sơn”, mang tên một huyện của tỉnh Bình Định kết nghĩa với Hà Tĩnh, đào đắp kênh mương thủy lợi ở phía tây xã Thạch Tiến. Lao động tuy nặng nhọc nhưng rất vui, vừa làm vừa hoạt động văn nghệ, nhiều bạn làm giỏi được biểu dương.
Bước sang năm học 1966-1967, chúng tôi lên lớp 10. Lớp do thầy Thế dạy Toán, thầy Thiều dạy Văn, cô Lan Anh dạy Vật lí, thầy Thành dạy Sinh, Thầy Bá, mới tốt nghiệp ĐHSP Vinh, dạy Hóa, thầy Hy dạy Địa, thầy Xuân dạy Sử, thầy Nghị dạy Chính trị... Trong lúc đó, địch vẫn đánh phá các liệt bằng máy bay và pháo kích từ tàu chiến ngoài biển. Từ cuối năm 1966, trong vòng bảy tháng, làng tôi ở phía bắc xã Phù Việt, đã hai lần bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá. Chúng tôi tham gia cấp cứu tại chỗ người bị thương rồi đưa đi bệnh viện, giúp dân khôi phục nhà cửa, hầm hào và chăm sóc các em nhỏ của những gia đình bị nạn.
Một buổi sáng sớm nắng đẹp vào tháng 3/1967, trên đường đến lớp, chúng tôi nhìn thấy giữa cánh đồng phía bắc xã Thạch Tiến xuất hiện nhiều trận địa pháo phòng không cỡ lớn còn tươi màu đất mới. Các anh bộ đội ngồi trực chiến trên mâm pháo vẫy tay đáp lời chào của đám học sinh chúng tôi đang trên đường đi học. Với tâm lý hiếu kỳ, chúng tôi mường tượng và chờ đợi chứng kiến một tình huống chiến đấu mới sắp diễn ra. Ngay lúc đó, các tốp máy bay Mỹ xuất hiện, chúng bay không cao và lượn mấy vòng trên trận địa. Pháo phòng không các cỡ bắn từng điểm xạ, đạn lửa vạch đường về phía máy bay, nhưng không thấy chúng đánh trả. Rõ ràng, chúng bay đến để tiến hành trinh sát, nghiên cứu tính năng loại vũ khí phòng không hiện đại lần đầu tiên vào tận vùng này - tên lửa SAM-2.
Sau đó, bầu trời trở lại yên tĩnh, chúng tôi nhanh chóng đến lớp, buổi học bắt đầu. Bỗng nhiên, hai tiếng nổ kèm theo tiếng rít lạ tai xé không khí vọng đến. Không ai bảo ai, chúng tôi ùa ra khỏi lớp nhưng không vào hầm hào trú ẩn mà đều ngước nhìn lên bầu trời. Hai quả tên lửa rời bệ phóng từ ngôi miếu cách chỗ chúng tôi chỉ bốn, năm trăm mét, bay vút lên trời kéo theo hai vệt khói trắng. Ngay lập tức, nhiều tốp học sinh tự động chạy về phía trận địa tên lửa giúp bộ đội, dân quân mang cành lá ngụy trang đã chuẩn bị sẵn đến thay số đã bị hơi nóng làm cháy sém. Chúng tôi trở lại lớp tiếp tục bài học nhưng vẫn chụm đầu thì thầm đồn đoán về kết quả phóng tên lửa và về khả năng địch trở lại trả thù. Hôm sau, đơn vị tên lửa đã chuyển đi, yên tĩnh trở lại. (Sau này chúng tôi mới biết, dạo đó có đơn vị tên lửa phòng không đã chuyển xa hơn về phía Nam theo lời chỉ dẫn của Bác Hồ: “Muốn bắt cọp phải vào hang cọp”. Tháng 9/1967, lần đầu tiên tên lửa SAM-2 bắn rơi pháo đài bay B.52 của Mỹ trên bầu trời Vĩnh Linh và đơn vị đó được Bác Hồ gửi thư khen. Thế mới biết, trong trận đánh mà mình chứng kiến, bộ đội ta cũng vừa đánh giặc vừa học cách đánh giặc tại chính nơi chúng tôi cũng đang học tập).
Là năm học cuối cấp 3 nên mọi người tập trung cao độ cho học tập, tự học kết hợp với học nhóm, trao đổi bài sôi nổi. Dù vậy, chúng tôi vẫn chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát những cuốn sách mua hoặc mượn được, từ truyện ngắn đến các bộ tiểu thuyết nổi tiếng, để mở mang hiểu biết, nâng cao khả năng cảm thụ văn học, kỹ năng nói và viết. (Văn hóa đọc thời đó rất phổ biến, dù ở trường học hay ở các nhà máy, công trường, nông trường, đơn vị quân đội…).
Vào cuối tháng 2/1967, sau kỳ thi chọn học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, nhà trường thông báo tôi được chọn vào đội tuyển của tỉnh đi dự kỳ thi học sinh giỏi miền Bắc, một bạn khác được vào đội tuyển thi Toán. Đội tuyển Văn gồm sáu người, từ các trường cấp 3 Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Hương Sơn, Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng, được tập trung về Trường Cấp 3 Trần Phú ở Đức Thọ để ôn luyện trong hơn một tháng và dự thi vào ngày 04/4/1967. Các nhà giáo giỏi như thầy Kính ở cấp 3 Trần Phú và thầy Định ở cấp 3 Hương Sơn được Ty Giáo dục giao nhiệm vụ ôn luyện cho chúng tôi. Các thầy tập trung vào chủ đề con người mới, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đưa cho đọc các đoạn văn hay để nâng cao sức viết. Tôi vẫn còn nhớ như in đề thi năm đó là yêu cầu bình luận câu nói của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận trước kẻ thù Mỹ - Ngụy khi bị giam cầm tra tấn dã man trong xà lim P.42 ở Sài Gòn, in trong tác phẩm Bất khuất vừa xuất bản của ông.
Cuối năm học, một số anh chị cùng lớp phấn đấu tốt, đủ 18 tuổi, như Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Duy Ngụ, Lê Xuân Hoàn, Nguyễn Ngọc Thành đã được kết nạp vào Đảng. Lần đầu tiên, Chi bộ có sự tham gia của học sinh, mở đầu một sự phát triển mới của Nhà trường. Sang tháng 6/1967, mùa thi tốt nghiệp cấp 3 đã đến. Năm đó, đề thi cả bốn môn đều khá khó và đề Vật lí có phần lắt léo. Có lẽ một phần do vậy, nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của lớp không cao. Tuy vậy, mọi người vẫn chia sẻ và động viên nhau tiếp tục phấn đấu. Sau cuộc liên hoan chia tay, chúng tôi chuẩn bị lên đường đi học đại học; người thì học trong nước, người thì đi nước ngoài, không phải dự thi tuyển sinh đại học như từ hai năm sau đó...
Nhớ lại và tiếp tục suy nghĩ
Hôm nay, nhân dịp chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Cấp 3 và nay là Trường THPT Lý Tự Trọng, mọi người chúng tôi đều bồi hồi nhớ về Nhà trường, về các Thầy Cô giáo (tôi muốn viết hoa danh từ chung này) và bạn bè cũ. Tôi hồi tưởng lại chuỗi ngày tháng đó như xem lại những thước phim quay chậm, thấp thoáng thấy lại hình bóng của mình và mọi người rất đỗi thân quen trong đó. Dấu ấn sâu đậm nhất trong những năm tháng học phổ thông, nhất là thời kỳ học cấp 3, là những kỷ niệm với các Thầy Cô giáo đã dạy dỗ mình nên người. Chúng tôi không bao giờ quên hình ảnh các Thầy Cô giáo đủ mọi lứa tuổi, sống giản dị, thân ái đoàn kết, chăm lo tỷ mỷ việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho từng học sinh, ứng xử mọi tình huống với tấm lòng độ lượng, nhân ái, không cầu danh lợi. Ngoài giờ dạy học, các Thầy Cô vẫn bền bỉ tự học nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, văn hóa, nghệ thuật, rèn luyện thể thao… để thực hiện phương châm “biết mười, dạy một”. Những kỷ niệm đẹp đẽ đó đi theo mọi người trong suốt cuộc đời và chúng ta tự nhủ, để xứng đáng với điều đó mình phải sống tốt hơn, làm việc có hiệu quả hơn.
Bản thân tôi gặp sự ngẫu nhiên may mắn là được theo nghề các Thầy Cô giáo của mình một cách không định trước. Từ một giáo viên sư phạm trở thành cán bộ quản lý cấp trường, cấp Sở, rồi tham gia quản lý ở Bộ GD&ĐT, trên đường công tác có không ít vấp váp và ít nhiều thành công. Tôi luôn dặn mình phải noi theo tấm gương của các Thầy Cô giáo đã từng dạy mình, nhất là những khi gặp tình huống khó khăn trong việc học tập nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nước hay khi phải khắc phục khó khăn, phức tạp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tôi muốn kể lại một cách trung thực những gì mình chứng kiến trong quãng thời gian học ở Trường Cấp 3 Phan Đình Phùng và Lý Tự Trọng. Việc đó không phải để nói về mình, mà để phản ánh quá trình ra đời và phát triển của Trường Cấp 3 Lý Tự Trọng, gắn liền với một giai đoạn của lịch sử với nhiều hy sinh, gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang của quê hương, đất nước. Thông qua đó, để nhắn gửi các bạn thuộc thế hệ học sinh hiện nay và sau này rằng, cách thể hiện tình cảm biết ơn đối với Nhà trường cũng như các Thầy Cô giáo đã đào tạo mình nên người là luôn mài sắc hai thứ đã được truyền dạy, đó là ý chí và trí tuệ.
Cuộc sống luôn tiến về phía trước, luôn đặt ra những thử thách mới, không ai và không bao giờ có thể “tắm hai lần trên một dòng sông”, như lời một triết gia cổ đại từng nói. Nhiều kinh nghiệm cũ dù đáng quý đến đâu rồi cũng có thể trở nên lỗi thời, nhưng với ý chí và trí tuệ được rèn giũa, con người đều có thể tự tin vượt lên mọi hoàn cảnh để đạt được sự thành công./.
Hà Nội, tháng 11 năm 2015
|